Tại sao cần sa bị cấm?

Tìm hiểu lịch sử đen tối của lệnh cấm cần sa

Câu chuyện lịch sử về lệnh cấm cần sa

Người dịch: Express
Bài dịch từ chương Introduction trong cuốn The Medical Cannabis Guidebook của tác giả Jeff Ditchfield và Mel Thomas

Một số thông tin cơ bản

Cần sa là loại dược phẩm an toàn nhất hiện có, với nhiều tên gọi khác nhau như "gai dầu, marijuana, ganja, weed, herb...". Nó cho chúng ta những búp khô có thể hút được, sản xuất ra loại hạt giàu dinh dưỡng và có thể ép thành một loại dầu ăn rất tốt cho sức khoẻ. Đồng thời, sợi của cây rất chắc khỏe và đa năng, mang lại nhiều ứng dụng kinh tế. Việc trồng gai dầu đem tới nhiều lợi ích cho môi trường. Loài cây này đã được con người sử dụng hàng ngàn năm trước khi có lệnh cấm. Không như nhiều loại thuốc khác, chưa có một trường hợp nào được ghi lại về sự tử vong do sử dụng cần sa. Chưa từng có ai chết trực tiếp do cần sa, hay có bất kỳ tổn thương não nào. Khác với đồ uống có cồn và các thuốc khác, cần sa không bào mòn các thụ thể não bộ, mà kích thích chúng. Khoảng 1500 pound (680 kg) cần sa và phải được hút hết trong 15 phút để giết chết một người. Nếu bạn muốn giết ai đó bằng 1500 pounds cần sa, bạn nên thả nó đè thẳng lên đầu họ.

LD50, liều lượng gây chết trung bình, là thước đo mức độ độc hại của một chất qua việc ăn, tiếp xúc qua da hoặc tiêm. LD50 được đo lường ở đơn vị micrograms (hoặc milligrams) độc chất cho mỗi kilogram cân nặng của động vật thí nghiệm. LD50 càng thấp, khả năng gây độc càng cao. LD50 của cần sa, được thực hiện năm 1988 bởi những người nghiên cứu của DEA, khoảng 1:20000 hoặc 1:40000. Để cho dễ hiểu, điều này có nghĩa là nếu muốn chết, một người phải tiêu thụ 20000 tới 40000 lần lượng cần sa chứa trong một điếu 0.9 gram. 

Các nghiên cứu cho thấy liều lượng hiệu quả (effective dose) của THC thấp hơn ít nhất 1000 lần so với liều gây chết (chỉ số trị liệu 1000: 1). Heroin có chỉ số trị liệu là 6:1, cồn và Valium là 10:1. Cocaine là 15:1. Aspirin là 20:1; dùng gấp 20 lần liều khuyến cáo (40 viên) có thể gây tử vong và gần như chắc chắn sẽ xuất huyết nội tạng nặng nề. Thuốc điều trị ung thư, glaucoma và đa xơ cứng (multiple sclerosis, MS) đều được cho là rất độc hại; chỉ số trị liệu của một số loại thuốc điều trị ung thư có thể xuống tới mức dưới 1.5:1. 

Một số người có trải nghiệm tiêu cực hoặc phản ứng dị ứng với cần sa. Một số bệnh nhân bị tăng nhịp tim mạnh và/hoặc căng thẳng khi dùng dầu cần sa. Các hiện tượng này là ít gặp và có thể sẽ biến mất khi ngưng sử dụng. Nhiều người mắc chứng hen phế quản có thể thu được lợi ích từ cần sa dạng thảo dược hoặc dầu chiết xuất, nhưng nó cũng có thể gây kích ứng ở một số người. Dù sao thì, đối với đại đa số mọi người, cần sa đã mang lại hàng trăm giá trị sử dụng y tế khác nhau.

Lịch sử và nguyên nhân của lệnh cấm cần sa

Lệnh cấm cần sa xuất phát từ một âm mưu mang tính thương mại từ những năm 1920. Từ "marijuana" được cho vào vốn từ tiếng Anh bởi những công ty thâm độc với ý đồ thay đổi cái nhìn của người dân với cần sa, từ một loại cây hữu ích cho sợi và thuốc, trở thành một chất nguy hiểm, gây nghiện và huỷ hoại con người. Họ muốn phá huỷ nền công nghiệp gai dầu, thay thế thuốc cần sa và sợi gai dầu bằng những thứ dược phẩm độc hại và các sản phẩm hoá dầu. Giới truyền thông đã bị điều khiển, in ra những mẩu truyện hoang đường liên hệ việc sử dụng cần sa với tội phạm. Điều này vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày nay, như cựu chủ tịch CBS News Richard Salant đã giải thích khi thảo luận về vai trò của truyền thông trong việc điều khiển công chúng: "Việc của chúng tôi là cho mọi người không phải thứ họ muốn, mà là thứ chúng tôi muốn họ biết". 

Lệnh cấm cần sa, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là sản phẩm của một âm mưu thối nát được xây dựng bằng sự lừa lọc, tẩy não và kiến thức sai lầm. Trong hàng thập kỷ qua, nó đã ngăn chặn cộng đồng tiếp cận một loại cây có giá trị cao về y học.

Cần sa đã được dùng trong y tế từ hàng thiên niên kỷ trước. Một bài báo đăng trên tờ The Economist vào ngày 27 tháng Tư năm 2006: "Cần sa có giá trị y tế, cho dù các nhà chính trị có thích nó hay không," đã viết rằng:

"Nếu cần sa chưa được biết tới, và đột nhiên được các nhà thám hiểm sinh học phát hiện ra ở một ngọn núi rất xa, thì không nghi ngờ gì nữa, phát hiện này sẽ được ca tụng là sự đột phá của nền y học. Các nhà khoa học sẽ ngợi khen tiềm năng của nó trong việc chữa trị tất cả mọi thứ từ các cơn đau cho tới ung thư, và sửng sốt trước các dược chất của nó, khi rất nhiều chất trong đó hoạt động tương tự như những phân tử tối quan trọng trong cơ thể con người." 

Việc sử dụng cần sa trong y học đã được chép lại trong các văn bản lịch sử. Nó được dùng như một liệu pháp chữa trị truyền thống cho một phổ lớn các bệnh khác nhau trong hàng ngàn năm tại Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, Đông Nam Á, Nam Phi và Nam Mĩ. Hơn thế nữa, bằng chứng của việc sử dụng cần sa y tế đã có từ năm 1600 trước Công Nguyên, ở Ai Cập, khi nó được sử dụng như một chất xông hơi, thuốc bôi ngoài da và thuốc đạn. 

Một trong những ghi chép về cần sa y tế lâu đời nhất được tìm thấy trong cuốn dược điển của Trung Quốc Pen-Tsao Kang-Mu (Thảo dược tuyệt vời), được viết trong những năm 100 sau Công Nguyên, nhưng thực chất ghi lại tới khoảng thời gian của hoàng đế Shen-Nung vào năm 2800 trước Công Nguyên. Tác giả Li Shih Chen đã đưa ra nhiều tài liệu hàng trăm năm tuổi về việc cần sa và hạt của nó được dùng làm thực phẩm và thuốc. Những tài liệu cổ xưa này đã xác định chính xác rằng phần hoa ở ngọn cây cần sa (Ma-fen) chíh là sản phẩm có ích và mạnh nhất để làm thuốc, và khuyến khích sử dụng nó để chữa trị chứng mệt mỏi khi kinh nguyệt, sốt, đau xương khớp hay sốt rét, cũng như việc nó hiệu quả khi sử dụng để giảm đau. Trong thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, một thầy thuốc phẫu thuật của Trung Quốc là Hua Tuo đã ghi chép lại việc sử dụng thuốc gây tê làm sử hạt nhựa của cây cần sa và rượu (Ma-yo) để tiến hành những cuộc phẫu thuật phức tạp không gây đau đớn, trong đó có cả cắt cụt tay chân.

Bác sĩ kiêm nhà thực vật học Hy Lạp Pedanius Dioscorides đã rong ruổi khắp đế chế La Mã và Hy Lạp để tìm kiếm những mảnh ghép cho ấn phẩm của mình: Materia Medica (Dược vật học), trong đó nhắc tới loài cây Cannabis Sativa L. (nguồn gốc theo tiếng Hy Lạp là Kannabis), được mô tả là hữu dụng cho việc sản xuất ra dây thừng, với thứ nước ép ra từ hạt rất tốt để điều trị đau tai và giảm bớt ham muốn tình dục. Materia Medica đã được dịch và xuất bản khắp thế giới, được sử dụng làm nguồn tham khảo y học cho tới thế kỷ XVI. Nó chính là tiền thân của dược điển hiện đại và là một trong những cuốn sách thực vật học có ảnh hưởng lớn nhất từng được viết.

Luật pháp Mỹ lần đầu tiên đề cập tới cần sa là tại thuộc địa Jamestown, Virginia vào năm 1619. Ngược hẳn với việc cấm cần sa, tất cả các nông dân được "ra lệnh" phải trồng cây gai dầu Ấn Độ. Hồ sơ điều tra dân số Mỹ năm 1850 ghi chép lại 8327 đồn điền trồng gai dầu (cần sa) với diện tích 2000 mẫu Anh (acres), tất cả đều dùng cho sản xuất quần áo, vải và dây thừng. Cần sa xuất hiện lần đầu tiên trong Dược điểm của Mỹ vào năm 1851 (lần tái bản thứ 3) và cho tới khi lệnh cấm được ban hành, cần sa đóng vai trò như liệu pháp trị liệu chính cho hơn 100 chứng bệnh khác nhau. Khi lần tái bản thứ 12 của cuốn Dược điển được xuất bản, cần sa đã chính thức bị gỡ bỏ và việc sử dụng nó trong các nghiên cứu y học đã bị tạm dừng.

Trong những năm 1930, chính phủ liên bang Mỹ đã ủng hộ chiến dịch của Harry Anslinger và Cục Ma Tuý (Bureau of Narcotics) mới thành lập của hắn. Anslinger là một kẻ suy đồi, phân biệt chủng tộc và cố chấp, khi mà để xây dựng tổ chức mới, hắn đã tạo ra nỗi sợ hãi về việc sử dụng cần sa thông qua sự tuyên truyền và dối trá. Anslinger đã vẽ nên một nỗi lo sợ bao trùm khắp đất nước về một thứ không hề tồn tại, bằng cách gắn cần sa với những câu chuyện bịa đặt về tội phạm, bạo lực và sự điên dại. Cục Ma Tuý quảng bá thứ mà họ gọi là "những tài liệu nhuốm máu" (Gore Files); những câu chuyện "cần sa điên dại" (Reefer madness) xoay quanh nạn giết người, bạo lực, suy đồi đạo đức và hệ quả của cần sa liên hệ tới việc "suy thoái nòi giống", khai thác một cách cay độc tình trạng phân biệt chủng tộc phổ biến vào thời điểm đó. Bằng cách liên hệ cần sa với những cộng đồng thiểu số, hắn ta chắc chắn rằng phần lớn người dân da trắng Mỹ sẽ đồng tình với bất kỳ một kế hoạch cấm đoán nào.

Các trích dẫn sau lấy từ "Tài liệu nhuốm máu" của Anslinger:

Có tổng cộng 100,000 người sử dụng cần sa tại Mỹ, phần lớn họ là dân da đen, dân gốc Tây Ban Nha, Philippines, và những kẻ mua vui. Thứ âm nhạc Quỷ Dữ (Satanic) của họ, jazz, và swing, chính là kết quả của việc sử dụng cần sa. Thứ cần sa này khiến cho phụ nữ da trắng tìm tới quan hệ tình dục với dân da đen, những kẻ mua vui và nhiều kẻ khác nữa. 

... lý do chính để cấm cần sa là do tác hại của nó tới việc gây suy thoái nòi giống. 

Cần sa là một thứ thuốc gây nghiện, dẫn dắt người dùng tới sự điên dại, phạm pháp và cái chết. 

Cần sa khiến dân da đen (darkies: kẻ tối màu) nghĩ rằng chúng tốt ngang hàng so với người da trắng. 

Bạn hút một điếu cần sa và bạn sẽ dễ có khả năng sát hại anh em của bạn.

Cần sa là thứ thuốc dẫn tới bạo lực kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại. 

Cục Ma Tuý có một đồng minh lớn mạnh và luôn sẵn sàng trên phương diện truyền thông là ông trùm William Randolph Hearst, kẻ đã đầu tư mạnh tay vào ngành công nghiệp gỗ để hỗ trợ cho chuỗi hệ thống các tờ báo quốc gia của hắn. Đối với Hearts, giấy làm từ cây gai dầu là một đối thủ cạnh tranh không mong muốn và sẵn sàng xuất bản những ấn phẩm tuyên truyền chống lại cần sa từ "Tài liệu nhuốm máu" của Cục Ma Tuý, với những tiêu đề được in ví dụ như là:

Cần sa biến các cậu bé thành quỷ trong vòng 30 ngày - Nhựa cần sa kích thích người sử dụng thành những kẻ khát máu. 

Cần sa khiến dân da đen có thể nhìn thẳng vào mắt những người da trắng, dẫm vào cái bóng của đàn ông da trắng, và nhìn vào phụ nữ da trắng tận hai lần.

Cần sa chịu trách nhiệm cho những vụ hiếp dâm phụ nữ da trắng bởi những kẻ da đen điên dại.

Ba phần tư tội phạm bạo lực ở đất nước này hôm nay bị gây ra bởi những kẻ nô lệ phê cần, và đó là một kỷ lục chưa từng thấy. 

Hearst và Anslinger đã cùng tham gia vào một âm mưu của công ty hoá chất Dupont, và vào năm 1937 Anslinger đã đưa ra trình bày với Quốc hội về Đạo luật Thuế Cần sa. Mặc cho vấp phải sự phản đối của William C. Woodward đến từ Hiệp hội Y học Mỹ (American Medical Association), dự luật đã được thông qua chỉ sau rất ít sự thảo luận, và cần sa đã bị cấm một cách triệt để. Phần lớn mọi người đều không nhận ra được rằng thứ "ma tuý cần sa quỷ quyệt" được nhắc tới trong Đạo luật đó thực chất chính là loài thảo dược vốn đã rất hữu dụng từ những ngày đầu tiên thành lập đất nước và vốn là thứ thuốc hiệu quả được biết tới rộng rãi.

Do cái tên "Marijuana" vốn bắt nguồn và bị gắn với sự suy thoái và phân biệt chủng tộc, từ giờ trở đi chúng tôi sẽ gọi loài cây này với cái tên chính xác của nó: Cannabis (Cần sa)

Ngày hôm nay, mọi người đã bắt đầu chú ý tới những tác dụng y học của cần sa, với nhiều nhà khoa học và bác sĩ uy tín đang nghiên cứu về nhiều các mặt khác nhau của nó. Một nghiên cứu được tài trợ bởi chính quyền bang California, tiến hành bởi Trung tâm nghiên cứu Cần sa y tế của trường Đại học California (University of California Center for Medicinal Cannabis Research), đăng tải trên cuốn tạp chí The Open Neurology (Tháng chín năm 2012), kết luận rằng cần sa đã giảm được đau đớn đáng kể cho những người bệnh bị đau mãn tính và các nghiên cứu lâm sàng về nó là thứ mà chúng ta đang cần hơn bao giờ hết:

Việc phân loại cần sa vào Danh mục I cũng như tiếp tục những tranh cãi về việc nó có hay không các giá trị y tế chính là một rào cản cho tiến trình phát triển y học tại lĩnh vực này... 

Dựa trên những bằng chứng đang có, việc phân loại nó vào Danh mục I là bất hợp lý; là không đúng khi nói rằng cần sa không có giá trị y tế, hoặc rằng thông tin về mức độ an toàn còn thiếu sót. Đúng là cần sa cũng có một số nguy cơ dẫn tới sự lạm dụng, nhưng bản chất của nó vốn phù hợp với một loại thuốc ở Danh mục III hơn. Hy vọng rằng sự mâu thuẫn đang diễn ra giữa các chứng cứ khoa học và quan niệm chính trị sẽ được hoá giải một cách khôn ngoan.

Các công ty dược xuyên quốc gia đang tiến hành trồng hàng tấn cần sa tại những địa điểm bí mật và được canh gác chặt chẽ, với mục đích chiết xuất ra chỉ 2 hợp chất cannabinoid của nó, trộn chúng với rượu, glycerin và một lượng nhỏ bạc hà cho có mùi vị, và quảng bá sản phẩm cuối cùng dưới dạng xịt miệng (mucosal spray) có tên gọi Sativex.

Thuốc xịt Sativex

Sản phẩm từ cần sa này được phát triển bởi công ty dược GW tại Vương quốc Anh tại một trang trại được canh gác nghiêm ngặt, nơi họ trồng hơn 20 tấn cần sa mỗi năm. Sản phẩm sau đó được xử lý và các cannabinoid THC và CBD được chiết xuất ra, làm thành cồn thuốc chứa rượu. Họ thu của bệnh nhân khoảng 190 $ mỗi lọ 10 ml, thứ mà chỉ đủ cho một bệnh nhân bị đa xơ cứng (Mutiple sclerosis) mức độ trung bình sử dụng trong vòng 10 ngày. Đang có khoảng 80,000 bệnh nhân đa xơ cứng chỉ riêng tại nước Anh; vây nên bạn hãy làm một phép toán nhỏ. Nếu bệnh nhân được phép tự canh tác cần sa, họ có thể tạo ra được những bản sao của Sativex chỉ với giá 8$ cho mỗi 10 ml. Các tác giả đã chứng minh và diễn giải điều này tại một hội nghị về sản phẩm cần sa tại cả Barcelona và Valencia năm 2013. Có một video được ghi lại tại Spannabis ở Barcelona trên trang web của họ (cannabiscure.info) mà độc giả có thể kiểm chứng.

Cho dù có một khoản lợi nhuận khổng lồ đang được kiếm chác từ những người đau ốm, hoa và dầu cần sa là hơn hẳn Sativex, khi bạn có thể thu được lợi ích từ một tập hợp đầy đủ các cannabinoid có trong cây, mà không chỉ có THC hay CBD. Hơn thế nữa, bệnh nhân sẽ không phải trải nhiệm bất kỳ sự nóng rát, cảm giác bỏng trong miệng hay mùi vị khó chịu nào của rượu như trong phàn nàn về Sativex.

Tại các bang nước Mỹ như California và Colorado, cần sa có thể được mua tại các dispensary (tiệm phân phối), nhưng theo như Đạo luật kiểm soát chất (Controlled Substance Act), cần sa là một loại thuốc trong Danh mục I, bị nằm chung với những chất cấm nguy hiểm khác. Hiệp hội Đau mãn tính Mỹ (American Chronic Pain Society) nói trong ACPA Medications & Chronic Pain, Supplement 2007:

Một số bang cho phép sử dụng hợp pháp cần sa cho mục đích y tế trong đó bao gồm cả đau, trong khi đó chính phủ liên bang tiếp tục đe doạ các bác sĩ bằng việc truy tố họ khi họ kê đơn nó. 

Đã có 2 điều luật vào năm 2001, United States v. Oakland Cannabis Buyers Cooperative và Gonzales v. Raich, đã xác nhận rằng chính phủ liên bang cam kết sẽ truy tố cả người mua và người bán kể cả tại những bang mà cần sa đã được hợp pháp hoá cho mục đích y tế. Lập trường chính thức của FDA về cần sa là:

Cần sa mang một mối nguy cơ lớn dẫn tới lạm dụng, không có một ứng dụng y học nào được chấp nhận tại Mỹ, và thiếu hụt sự an toàn để sử dụng dưới sự giám sát y tế 

Mặc kệ tuyên bố trên của FDA, Sativex vẫn được cấp phép cho công ty dược Otsuka, ở Mỹ để sử dụng như một liệu pháp điều trị cho chứng co thắt do bệnh đa xơ cứng (MS), và cũng dùng để giảm tác dụng phụ của các liệu trình điều trị ung. Hơn nữa, các cannabinoid nhân tạo như Nabilone và Cesamet đã sẵn có dưới dạng thuốc kê đơn ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Phiên bản nhân tạo của cannabinoid là rất đắt đỏ và rất kém hiệu quả khi đem so sánh với các chiết xuất từ cần sa tự nhiên.

Vào tháng 4 năm 2011, công ty GW đã đi đến thoả thuận cho một giấy phép độc quyền với Novartis Pharma AG để thương mại hoá Sativex tại Úc, New Zealand, Đông Nam Á và Châu Phi. Thông qua thoả thuận trên, GW đã nhận được khoản tiền trả trước là 5 triệu đô la và đủ điều kiện để có thêm. 75 triệu nữa một khi các mục tiêu bán hàng được hoàn thành. Thêm nữa, GW sẽ nhận thêm nhiều khoản tiền hoa hồng. Vào năm 2009, thị trường dược phẩm toàn câu đã đạt giá trị lên tới 837 tỉ đô la và ước tính sẽ đạt 1 nghìn tỉ vào năm 2014 

Lợi nhuận khi các công ty dược nhắm tới thị trường ung thư đã lên tới 24 tỷ đô la vào năm 2004, với tỷ lệ tăng cao nhất được đóng góp bởi các loại thuốc kìm hãm ung thư (antineoplastic). Thị trường cho các loại thuốc này đã là 43 tỷ đô la vào năm 2005 và 69 tỷ đô la vào năm 2010. Vậy tại sao các tập đoàn đa quốc gia này lại hứng thú với việc nghiên cứu và phát triển một phương pháp điều trị ung thư có thể được canh tác miễn phí và khó được cấp bằng sáng chế trừ khi nó tiếp tục bất hợp pháp?

Bằng sáng chế mà cấp cho việc sử dụng y tế của một hợp chất tự nhiên, là bất hợp pháp khi đối chiếu với luật bản quyền, nay lại được cấp cho chính phủ Mỹ thông qua chính văn phòng cấp bằng sáng chế của chính họ:

Trích từ U.S.Patent #6630607: 

Cannabinoid đã được tìm ra là có tác dụng chống oxy hoá, không liên quan tới thụ thể đối kháng NMDA (NMDA receptor antagonism). Phát hiện mới này làm cho cần sa trở nên hữu ích trong việc điều trị và phòng ngừa một loạt các bệnh liên quan tới quá trình oxy hoá khác nhau, chẳng hạn như thiếu máu cục bộ, các bệnh của tuổi tác, các bệnh viêm và bệnh tự miễn. Các cannabinoid đã được tìm thấy là có ứng dụng như những chất bảo vệ thần kinh, ví dụ như đối với việc giảm thiểu tổn thương thần kinh gây ra do thiếu máu cục bộ, chẳng hạn như đột quỵ và chấn thương, hoặc trong quá trình điều trị các bệnh suy thoái hệ thần kinh, như Alzheimer, Parkinson và chứng sa sút trí tuệ do HIV. Các cannabinoid không gây phê, chẳng hạn như cannabidiol (CBD), là đặc biệt thuận lợi để sử dụng do nó tránh được sự độc hại gặp phải như khi các cannabinoid gây phê ở liều lượng cao, do đó hiệu quả trong các liệu pháp điều trị hiện tại. Một nhóm các cannabinoid cụ thể rất hữu ích như loại chất bảo vệ thần kinh - chống oxy hoá mang theo công thức (I), trong đó nhóm R được lựa chọn tự do từ các nhóm bao gồm H, CH3, COCH3.

Đây là điều hoàn toàn mâu thuẫn đối với những tuyên bố chính thức của chính phủ Mỹ đối việc sử dụng cần sa y tế và nó đã cho thấy một cách rõ rang rằng lệnh cấm cần sa không phải với mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, mà để bảo vệ lợi nhuận cho các doanh nghiệp lớn.

Ngoài giá trị dinh dưỡng và sức khoẻ thu được từ việc sử dụng sản phẩm gai dầu hợp pháp không chứa chất hướng thần (hạt gai dầu và dầu của nó), đã có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng dầu chiết từ cây cần sa bất hợp pháp có thể đẩy lùi nhiều loại ung thư, đặc biệt là với ung thư vú. Tác dụng chống ung thư của cần sa và dầu chiết từ nó đã được biết tới từ ít nhất những năm 1970, khi trường Y Virginia báo cáo vào ngày 18 tháng 8, 1974, rằng hợp chất gây phê trong cần sa, THC, làm chậm sự phát triển của ung thư phổi, ung thư vú và bệnh máu trắng (leukemia) trên chuột thí nghiệm, kéo dài thời gian sống của chúng lên tới thêm 36%. Thí nghiệm vốn dĩ được tài trợ bởi National Institute of Health và có nhiệm vụ tìm kiếm bằng chứng rằng cần sa gây tổn hại cho hệ thống miễn dịch, nhưng thay vào đó nó lại cho thấy THC đẩy lùi sự phát triển của cả 3 loại ung thư đó: The Drug Enforcement Agency (DEA) đã nhanh chóng đình chỉ nghiên cứu này lại và tất cả các nghiên cứu sâu hơn đã bị tạm dừng.

Năm 1998, một nhóm nghiên cứu tại trường đại học Complutense của Madrid đã phát hiện ra rằng THC có thể tác động một cách chọn lọc để gây ra cái chết theo chương trình của các tế bào u não mà không có tác động tiêu cực đến các tế bào khoẻ mạnh xung quanh. Các nghiên cứu sâu hơn được báo cáo vào ngày 15 tháng 8, 2004, trên tạp chí của Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Mỹ (American Association for Cancer Research), cho thấy rằng các thành phần trong cần sa ức chế sự lan rộng của ung thư não ở người qua sinh thiết. 

Được dẫn dắt bởi tiến sĩ Manuel Guzman, đội nghiên cứu từ Tây Ban Nha này đã tiêu diệt thành công những khối u "không thể chữa khỏi" ở nào của chuột bằng cách tiêm cho chúng THC. Nghiên cứu này vẫn được tiếp tục và tác giả vừa qua đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu một lượng dầu cần sa đã được kiểm tra tại phòng thí nghiệm là có tỉ lệ THC: CBD 1:1, có 40% CBD với tổng số lượng cannabinoid hoạt động là 80%. Loại dầu này được làm ra sử dụng loại kỹ thuật sẽ được miêu tả ở các chương sau trong cuốn sách này, và nghiên cứu đã chỉ ra rằng CBD (cannabidiol) - một hợp chất không độc, không hướng thần trong cần sa đã hoạt động mạnh hơn trong việc ức chế khối u phát triển hơn các loại cannabinoid khác, bao gồm THC. Hợp chất này đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư vú bởi nó kích hoạt sự chết theo chương trình của tế bào (apoptosis).

Các nhà khoa học tại Trung tâm y tế Thái Bình Dương California ở San Francisco cũng chỉ ra rằng CBD có thể ngăn chặn di căn trong rất nhiều các loại ung thư hung dữ: 

Chúng tôi bắt đầu với việc nghiên cứu ung thư vú, nhưng bây giờ chúng tôi nhận thấy rằng cannabidiol còn có hiệu quả với rất nhiều loại ung thư khác: não, tuyến tiền liệt và bất kỳ loại nào mà trong đó có ID-1 ở mức độ cao.

Ngay cả khi giả sử bằng chứng về hiệu quả của dầu cần sa trong việc điều trị các ung thư chỉ là giai thoại, thì chắc chắn rằng mỗi người bệnh nhân ung thư cũng phải có quyền được thông tin về việc này và phải được trao cơ hội để thử nó. Đây không phải là vấn đề tự do cá nhân, mà là một vấn đề được đặt ra liên quan đến quyền con người cơ bản. Việc tiếp cận được một loại thuốc có khả năng cứu tính mạng con người không cần thiết phải tuân theo bất kỳ luật lệ nào. Nhiều người từ chối điều trị bằng dầu cần sa đã qua đời vì ung thư khi tất cả các bằng chứng sẵn có cho thấy rằng nó hoàn toàn có thể chữa trị được. Trong các chương sau chúng ta sẽ xem xét lịch sử cơ bản và những điều tạo nên cây cần sa, làm thế nào những thành phần có lợi ích nhất của nó có thể được chiết xuất ra, sử dụng và chúng ta cũng sẽ xem xét chi tiết lợi ích về dinh dưỡng có được từ những sản phầm không gây phê như hạt gai dầu và dầu hạt gai dầu ép lạnh. Mục đích là để giúp mọi người có kiến thức để đưa ra quyết định của riêng họ về việc sử dụng cần sa, bất kể khi chính phủ từ chối cung cấp thông tin này hoặc cho phép sử dụng cần sa hay không.

Share/ copy bài viết thoải mái mà không cần phải hỏi ý kiến. Miễn là giữ đúng nội dung và dẫn nguồn về Vietweed 101. 
Powered by Webnode
Create your website for free! This website was made with Webnode. Create your own for free today! Get started